Hàng trăm năm trở lại đây, người dân Bắc Hà xem dinh thự Hoàng A Tưởng vừa là niềm tự hào, nhưng cũng đượm nỗi bậyn. Tự hào khi cả một vùng cao nguyên rộng lớn như vậy, với toàn đá là đá xám ngoét lại bỗng mọc lên một dinh thự với kiến trúc độc đáo, tuyệt đẹp. Buồn, vì để xây dựng được dinh thự đó, đã tốn biết bao nhiêu mồ hôi, máu và nước mắt của một thời đã qua.
Từ thành phố Lào Cai ngược lên hướng bắc khoảng 85km, qua những con đường uốn cong khúc khuỷu như con bạch xà to lớn là đến với thị trấn Bắc Hà huyền thoại. Màu hoa đào hòa nở rộ trong đất trời, bên những xống váy mèo thơ mộng làm cho không gian cao nguyên trở nên rực rỡ, sống động hơn bao giờ. Bên nồi thắng cố chợ phiên, người ta còn rỉ tai nhau những câu chuyện về dinh Hoàng A Tưởng, về sự tích ra đời của nó,…
Dinh Hoàng A Tưởng được xây dựng theo lối kiến trúc Á- Âu, với bố cục hình chữ nhật liên hoàn khép kín. Chủ nhân của nó là cha con người Tày Hoàng Yến Chao và Hoàng A Tưởng, nhưng họ lại cai trị một vùng lên đến 70% dân tộc Mông và được dân gọi là vua chúa.
Trước năm 1945, Bắc Hà là xã hội thuộc địa nửa phong kiến, tồn tại giai cấp thống trị và bị trị, trong đó tầng lớp bóc lột là các thổ ti. Trong suốt thời gian đó, được thực dân Pháp nâng đỡ, cha con Hoàng Yến Chao, Hoàng A Tưởng ra sức bóc lột quần chúng nhân dân, chiếm đoạt vùng đất màu mỡ và bắt dân phục dịch, giao nộp các hiện vật có gia trị, đồng thời chúng còn độc quyền buôn bán muối, khai thác lâm sản, hàng tiêu dùng và cung cấp gạo, thực phẩm cho các đồn binh Pháp cùng bè lũ tay sai.
Cơ ngơi bề thế được Hoàng A Tưởng tiến hành xây dựng vào năm 1914, riêng phần chọn đất, tìm hướng nhà đều do kiến trúc sư người Pháp và Trung Quốc trực tiếp thiết kế và thi công. Địa điểm được chọn lựa dựa theo thuyết phong thủy trên một quả đồi rộng rãi hướng đông nam, đằng sau cùng hai bên trái phải đều có núi, phía trước là con suối cùng núi mẹ bồng con. Địa hình tổng thể được đánh giá là sơn thủy hữu tình.
Sâu vào trong là nhà chính, hai bên trái phải là nhà phụ, phía trước là bức bình phong và giữa là sân trời. Để tiến vào dinh, mọi người phải bước lên mấy bậc thang từ hai bên lại, rồi mới có thể tiến vào phòng chờ và khoảng sân rộng. Khu nhà gồm hai tầng, diện tích 420 m², với các cửa hình vòm và trang trí nhiều họa tiết công phu. Bốn gian phải trái hai bên của hai tầng là nơi sinh hoạt gia đình và giữa gian dùng làm nơi hội họp. Mặt chính được trang trí bằng nhiều họa tiết công phu, có đắp nổi hai câu đối với nội dung chúc tước,…Diện tích toàn khu nhà cuối cùng lên đến 4.000 m2 và được hoàn thành vào năm 1921.
Gần 100 năm tồn tại, ngôi nhà phủ đầy rêu phong vẫn nổi bật, uy nghi giữa thị trấn. Ánh nắng rực rỡ chiếu xuyên qua những ô cử, những lỗ châu mai, hành lang nhưng những căn phòng vẫn mang màu sắc ảm đảm và âm u. Dinh Hoàng A Tưởng ngày nay đã được quét vôi lại với màu vàng rực rỡ, khiến dinh thự mất đi sắc màu rêu phong thâm trầm. Nhưng dù đã được cải tạo trở thành nơi tham quan hấp dẫn đối với du khách, nhuốm màu cảm giác ma quái, lạnh lành khi thiếu vắng hẳn hơi người.
Đi qua những dãy hành lang dài hun hút, ai giàu trí tưởng tượng cũng sẽ thấy được nhiều cảnh một thời xa xưa, cảnh các bà hai bà ba đi lại trong phòng, cảnh đòn roi người hầu dưới sân hay tiếng rít thuốc phiện trong làn khói mù mịt ở căn phòng nhỏ… Trong khi đó, ba cây mộc ở sân sau tỏa hương ma mị, làm cho ngôi nhà chỉ mới nhá nhem đã vắng bóng người và trở thành bóng đen khổng lồ u ám ít người dám ghé tới.