Nem măng đắng là một món ăn dân tộc dân giã, độc đáo của các dân tộc Mường, Thái, Tày,…mang đến vị giòn tan, lạ miệng không thể quên cho những ai đã từng một lần thưởng thức khi đến với vùng đất Sa Pa, Lào Cai. 

Măng đắng là một món ăn rất phổ biến với người dân vùng miền núi phía Bắc. Măng được chế biến thành nhiều món ăn ngon, độc đáo, nhưng đặc biệt nhất phải kể đến món nem măng đắng. Hiện, món nem măng đắng đã xuất hiện nhiều trong thực đơn của các nhà hàng, quán ăn và trở thành thức quà mà khách du lịch không thể bỏ qua mỗi khi có dịp đến với Lào Cai, Sa Pa. 


Nem măng đắng được chế biến khác lạ theo bí quyết cổ truyền của người dân tộc Tày. Món ăn độc đáo ngay từ phần vỏ bên ngoài được làm từ lá măng đắng. Theo kinh nghiệm của người hái măng lâu năm thì khi tiếng sấm đầu mùa xuất hiện cũng chính là lúc măng trên rừng chuyển sang vị đắng. Người dân có thể mang theo gùi đi sâu vào trong rừng và chọn cho mình những mầm măng non mới nhú, đảm bảo đủ độ giòn, ngọt cho món nem măng đắng. 

Sau khi măng được hái về, người dân đem măng luộc cùng chút muối cho bớt chát, rồi mới lột vỏ lấy những tấm lá bánh tẻ, dai, mềm như những tấm lụa mỏng để làm vỏ cho món ăn. Nguyên liệu này dùng thay thế cho chiếc bánh đa nem thông thường mà chúng ta hay sử dụng. Về phần nhân của món nem đắng được làm từ thịt gà băm nhỏ, mà gà phải là gà tơ trọng lượng không quá 0,6-0,7 kg để đảm bảo thịt mềm, ngọt mà không dai. 


Thịt xương gà sau đó được băm nhỏ cùng với lá hẹ, củ kiệu và trộn cùng các gia vị như nước mắm, hạt nêm cho đậm đà. Sau đó bọc nhân vào trong phần lá măng được chuẩn bị trước đó và cho vào chảo rán giòn như các loại nem cuốn bình thường khác. Khi ăn, thực khách sẽ cảm nhận ngay được vị đăng đắng của măng, vị ngọt ngọt sần sật êm răng của thịt gà tơ và mùi thơm của các loại gia vị. Độ dẻo của vỏ nem kết hợp với cảm giác sậm sựt của nhân nem trong miệng sẽ làm cho bạn cảm thấy thú vị khi ăn và sau đó không khỏi trầm trồ bởi hương vị đậm chất núi rừng mà món ăn mang đến. 

Thưởng thức nem măng đắng bên ánh lửa bếp bập bùng trong bữa cơm chiều lạnh cùng gia đình, được nghe các già làng, trưởng bản kể về sự tích cây măng đắng trên rừng và thổn thức ngạc nhiên khi biết nó gắn liền với tình yêu trong sáng của chàng Khôm và nàng Bók. Theo đó, cặp đôi trai gái vì muốn bảo vệ tình yêu của mình mà phải tìm đến cái chết ở chốn rừng thiêng. 


Cây măng đắng mọc lên có vị đắng của tình yêu, nhưng vẫn phảng phất đâu đấy vị ngọt thơm, như là minh chứng cho tình yêu đẹp nơi núi rừng. Có lẽ cũng bởi thế mà người Tày chỉ làm nem măng đắng trong những ngày truyền thống của bản làng mình. Nhưng đến ngày nay thì món ăn này đã xuất hiện nhiều hơn trong các bữa ăn, mục đích nhằm quảng bá với du khách về văn hóa ẩm thực Lào Cai, Sa Pa. 

 
Top