Lễ hội xuống đồng ở Sa Pa là một trong những nét văn hóa đặc trưng mang đậm bản sắc dân tộc vùng cao, giúp cho mỗi người dân nơi đây biết trân trọng giá trị lịch sử, bảo vệ tài nguyên rừng. Đồng thời tiếp thêm sinh lực mới cho người dân trong quá trình sản xuất, xây dựng và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình.
Lễ hội được khai hội vào ngày mùng 8 tết, ngay từ sáng sớm, đồng bào các dân tộc ở các xã Sử Pán, Tả Van và Hầu Thào (Sa Pa) đã tưng bừng tổ chức lễ hội xuống đồng, thu hút rất nhiều cư dân địa phương lẫn du khách thập phương đến tham quan, khám phá.
Khi màn sương đêm còn chưa tan hết, từng đoàn người từ Lào Chải, Hầu Thào, Séo Mí Tỷ xuống, hay từ Bản Phùng lên, Bản Hồ xuống, trong những trang phục váy áo lỗng lẫy nhiều màu sắc, tíu tít cười nói dắt day nhau kéo về trung tâm tham dự lễ hội may mắn này.
Phần lễ vật phải có trong lễ hội gồm có thủ lợn, thịt lợn, con vịt, hoa quả, xôi trắng, xôi đỏ, xôi tím, xôi xanh, bánh kẹo, quả còn và phỏng gạo…Khi người dân trong bản đã có mặt đông đủ, việc sắp xếp lễ cũng đã xong thì thầy cúng sẽ bắt đầu các thủ tục từ rước đất, rước nước rồi mới đến lễ cúng giao linh với thần linh. Theo đó, ông thầy sẽ đọc tên các lễ vật, khấn xin thần linh phù hộ cho dân làng một mùa vụ bội thu, gia súc đầy nhà và có của ăn của để.
Lễ cúng kết thúc, thầy cúng sẽ đưa quả còn cho hội người già uy tín ở trong bản ném trượng trưng vào một vòng tròn dán giấy vẽ hình âm dương treo trên ngọn cây nêu. Bởi theo tập tục địa phương nơi đây, trong ngày làm lễ cúng phải ném thủng vòng nhật nguyệt mới có thể đem đến bình an, may mắn cho người dân, trong trường hợp không thủng sẽ bị cho là đem lại đen đủi cho cả năm. Khi vòng nhật nguyệt ném thủng thì từng gia đình sẽ đến thắp hương vái lạy thần linh, cầu khấn một năm may mắn cho gia đình lẫn làng bản của mình.
Phần hội sau đó sẽ được bắt đầu bằng các điệu múa cùng với các tiết mục văn nghệ dân gian đặc sắc của người Tày, người Dao, người Giáy. Nhưng nổi bật nhất, hấp dẫn đông người tham gia nhất phải kể đến màn múa xèo duyên dáng, điệu nghệ của các cô gái người Tày. Vòng xèo cứ rộng mãi, xôi động đi đều trong tiếng kèn tiếng trống rộn ràng, dập dìu. Khi các màn xoè kết thúc thì mọi người lại đổ xô tới khu chơi trò chơi giải trí như bịt mắt bắt dê, đẩy gậy, đánh bóng, ném còn, leo cột mỡ…khiến cho bầu không khí trở nên sôi động và náo nhiệt hơn bao giờ hết. Đây cũng là nơi thu hút đông đảo du khách trong ngoài nước, người dân bản địa đến tham gia, cổ vũ.