Ngoài chợ tình Sapa, chợ trâu Cán Cấu, chợ ngựa Bắc Hà…nổi tiếng được nhiều người biết đến thì Lào Cai còn có một phiên chợ đặc biệt, độc lạ khác đó là chợ mi chiến ở huyện Mường Khương. Họa mi vẫn được giới chơi chim xem như loài chim số một, nên khi nhìn vào chợ chim họa mi nơi đây vẫn có cảm giác vừa nguyên sơ nhưng lại rất cao sang quyền quý. 

Chợ được họp vào mỗi buổi sáng chủ nhật hàng tuần, trên một con đường nhỏ sát với nơi diễn ra khu chợ phiên huyện Mường Khương. Đây được xem như một nơi thu hút đông đảo du khách gần xa tới thăm vùng cao này. Nơi đây, mỗi lần phiên chợ diễn ra đều thu hút hàng trăm lượt người tấp nập qua lại mua bán và trao đổi chim họa mi, với doanh số giao dịch ước tính lên tới 100 triệu đồng. 


Khu chợ chim này không có bóng dáng của người phụ nữ địa phương nào, nếu có chỉ là du khách từ Sa Pa sang hoặc người ngoài thành phố Lào Cai vào. Nơi đây chỉ có mua-bán một mặt hàng duy nhất là chim họa mi chiến, loài chim đực chuyên hót và thi đá nhau, với giá chào bán trên trời, dưới biển không biết đằng nào mà lần. Do đó, nếu khách hàng tinh ý, biết cách mua, trả giá thì có thể vẫn chọn được cho mình một chú chim họa mi dáng đẹp hót hay với giá cả phải chăng. Hơn nữa khi mua, khách hàng sẽ được người bán tư vấn miễn phí cách chăm sóc chim lẫn chọn mua lồng chim đẹp và thức ăn phù hợp cho chúng. 

Theo lời thuật của một dân chơi chim có tiếng người Mông cho biết, những con mi chiến Mường Khương thường được bán sang Trung Quốc với giá cả nửa cây vàng, nên việc bán tại chợ với giá vài triệu đồng là chuyện cực kỳ bình thường. Con chim họa mi nào có cánh thẳng, lông mượt, giọng hót cao mà không nhảy loạn xạ khi gặp người lạ,…thì đó là chim họa mi chiến của Mường Khương. Mà muốn nuôi giống chim này phải chịu khó, không thì chỉ tốn tiền mà thôi. 


Cũng theo một nhà thơ cho biết, chợ chim Mường Khương càng nổi tiếng hơn trước vì có một chú “mi bạc” từ bên Hà Giang mang đến bán cách đây vài năm, sau được một tay chơi Hồng Kong mua với mức giá tương đương một đàn trâu. Hơn nữa, sau mỗi phiên chợ, lại có hàng trăm con mi chiến Mường Khương được thương lái mua sang Trung Quốc hay chuyển xuống bán tại các thành phố lớn dưới xuôi. 


Xưa kia, người dân tộc vùng cao có thú đi bẫy chim về nướng uống rượu, nhưng bây giờ họ lại chuyển sang say mê nuôi và huấn luyện mi chiến để có miếng chọi hay, hoặc bán lấy tiền cho dân chơi chim. Đó cũng chính là nét độc đáo của chợ chim họa mi Mường Khương thời kỳ mở cửa kinh tế như hiện nay.

 
Top