Xã Cán Cấu nằm trên đường lên bản Si Ma Cai (Lào Cai). Không một ai có thể nói chính xác chợ trâu Cán Cấu có từ bao giờ, chỉ biết rằng chợ hình thành sau chiến tranh biên giới tháng 2/1979, nhưng một số người dân địa phương lại bảo từ trước đó nữa, chỉ sau chợ Bắc Hà ít năm thôi. Mới đầu, người dân có trâu bán, khi đi chợ thì dắt theo để xem có ai mua không,…từ đó, người khác thấy thế bán được nên làm theo, mà hình thành chợ trâu Cán Cấu như ngày nay. 


Chợ Cán Cấu trước đây họp cùng một chỗ, người mua bán trâu thì họp ở cuối chợ, trên một khoảng đất trống ven đồi cạnh đường đi. Khi người mua bán trâu đổ về một đông, trâu đứng dọc cả đường cái làm cản trở giao thông, nên chính quyền địa phương mới tiến hành tổ chức, cải tiến chợ và phân làm chợ trâu cùng chợ hàng hóa như hiện nay. Chợ hàng hóa họp ở trên cao và chợ trâu họp ở dưới chỗ bãi đất rộng. Phiên họp chợ được tiến hành vào thứ bảy hàng tuần trên lừng chừng con dốc Cán Chư Sử, thuộc địa phận xã Cán Cấu – Si Ma Cai – Lào Cai. Từ khi trời còn chưa sáng rõ, người dân từ các vùng trong huyện hoặc ở các xã Bắc Hà, Bảo Thắng, Sín Mần và người Trung Quốc cũng đổ sang. 

Sau tháng 10 khi mà mùa vụ lúa, ngô đã thu hoạch xong, nhà nào cũng có đến vài ba người đi chợ, từ người lớn, trẻ em đến cả người già cũng tìm đến, khiến cho phiên chợ đông như trẩy hội. Đặc biệt là ở chợ Cán Cấu, du khách dưới xuôi, Tây ba lô và đông đảo đồng bào dân tộc người Mông, Giáy đến tham gia, nhưng chợ lại được thực hiện theo lối buôn bán của người Dao. 

Chợ Cán Cấu được chia làm 3 khu vực, trong đó rộng nhất là khu bán gia súc. Mặc dù có bán cả dê, ngựa, bò nhưng nhiều nhất vẫn là trâu, đó cũng là lý do cái tên chợ trâu được ra đời. Trái ngược với hình dung của mọi người về một chợ gia súc tự phát ồn ào, kỳ kèo mặc cả, du khách khi đến với chợ sẽ thực sự ngạc nhiên khi ở đây chỉ nghe thấy những âm thanh rì rầm thương lượng to nhỏ hay những lời đánh giá trâu bình thản từ phía người mua. 


Vốn chân chất, thật thà, người bán không hề hét giá, nên người mua mặc cả láy may mà thôi. Cả chủ trâu và khách hàng chỉ cần nói vừa đủ, để cho nhau nghe. Trước khi mua hàng, khách hàng thường xem xét kỹ, đánh giá tỉ mỉ từng con trâu đem bán, và trọn cho mình những con chân to, sống lưng chắc, khỏe mạnh và có đôi sừng mở rộng, trong khi bụng thon lại như hình cá trắm. Giá mỗi con trâu ở chợ Cán Cấu thường dao động từ 6 -> 20 triệu đồng, tùy thuộc vào từng loại trâu đực hay cái, đen hay trắng, đẹp mã hay không, hoặc tùy vào mục đích mua về cày cấy hay nuôi lấy thịt. 

Là chợ trâu lớn nhất tại Tây Bắc, nên mỗi lần phiên chợ mở thì có đến gần trăm con được mua-bán và rất hiếm có trường hợp người mua trâu phải đi về tay không. Khi cuộc trao đổi mua bán hoàn tất, cả chủ lẫn khách cùng kéo nhau đến bên nồi thắng cổ nghi ngút khỏi và cùng giao lưu ban chén rượu Si thơm nồng. Hết phiên chợ, những con trâu mua được đeo trên cổ một chiếc chuông nhỏ bằng đồng hình lá thông, ngoan ngoãn đi theo chủ mới về bản, trong tiếng vang vui nhộn. 


Tuy không nổi tiếng như khu chợ trâu, song khu hàng ăn và khu bày bán các nông sản địa phương, lẫn vật dụng gia đình cũng được rất nhiều du khách yêu thích. Ở khu hàng hóa, bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên khi tận mắt nhìn thấy nhiều sản phẩm quần áo, túi, khăn…sặc sỡ, đa dạng về chủng loại, kích thước đến như vậy. Bên cạnh đó, những sạp hàng trang sức với đủ loại vòng, hoa tai, xuyến chạm khắc tinh xảo, đẹp mắt cũng có sức hấp dẫn không kém. 

Ở khu hàng ăn, ngoài thắng cố, rượu ngô, chợ còn bán rất nhiều hàng ăn hấp dẫn như món phở xuôi, thịt lợn luộc,…Hơn nữa như nhiều phiên chợ vùng cao khác, chợ Cán Cấu cũng là nơi để các đôi trai gái hẹn hò, trò chuyện với nhau. Họ đến với chợ không phải với mục đích mua bán mà chủ yếu là để giao lưu tình cảm. Bởi thế, chợ không chỉ đơn thuần là nơi giao thương mà còn trở thành nét đẹp văn hóa tinh thần của người dân Tây Bắc. 

 
Top